[Viết] Trọng Sinh – Chương 13


Diệp Lâm tính tình hiếu động, khi đệ ý đến tuổi ở riêng thì phụ thân cho sửa lại một ngôi lầu rất xinh nằm bên một cái hồ be bé, trong lầu trồng hoa, ngoài tường lầu trồng cây cho bóng mát. Bé con lúc nào cũng vui vẻ hoạt bát, chỉ cần ở cạnh bên đệ ấy thì không thể buồn được, ngôi lầu nho nhỏ vì chủ nhân của nó mà bốn mùa cảnh đẹp ý vui, ngày nào cũng là một ngày tốt lành. Trên đường trở về, ta mua không ít bánh kẹo ở kinh thành và vô số đồ chơi nho nhỏ, chỉ cần nghĩ đến gương mặt hồ hởi của Diệp Lâm là tự nhiên vui vẻ. Ta dự đoán sự bằng mặt không bằng lòng của kế mẫu, cũng nghĩ đến phụ thân mà ta ngày đêm nhớ mong – không biết phụ thân có nhớ con không, lời đầu tiên của người khi gặp lại con hẳn sẽ là một lời trách móc nào đó như mọi khi. Ta vẫn biết phụ thân không phải kiểu người dễ bộc lộ cảm xúc, thì là có thêm vài câu cằn nhằn, ta vẫn sẽ vui vẻ nghe lấy.

Ta chỉ không ngờ, Diệp gia không có chút không khí năm mới, bé con không hào hứng chạy ra đón ta, kế mẫu cũng không khó chịu với sự xuất hiện của ta.

Thằng bé im lặng nằm trên giường, hơi thở yếu ớt. Kế mẫu vừa thấy ta bước vào liền rơi nước mắt, bà ấy gầy đi trông thấy, vừa đứng dậy cả cơ thể liêu xiêu sắp ngã. Ta giật mình, vội vàng đỡ lấy bà, cố gắng kiềm lại sự run rẩy, giả vờ bình tĩnh hỏi:

“Dì, có chuyện gì thế? Lâm nhi làm sao thế này?”

Bé con nghiêng mặt nằm trên giường, đầu quấn băng trắng, đôi mắt nhắm nghiền, cặp má bầu bĩnh hóp lại, khóe môi và cả môi bị dập; phải nhìn một lúc, ta mới thấy chăn đắp trên người Lâm nhi di chuyển rất khẽ, lúc này mới tạm thời an tâm hơn chút.

“Lan nhi à…” – Kế mẫu vừa gọi tên ta vừa nức nở, bà ấy nói được vài chữ lại phải ngừng, không ngừng lấy khăn tay lau nước mắt. Ta đỡ bà ngồi xuống, khăn trong tay bà đã ướt đẫm, ta rút khăn tay của mình đưa cho bà. Trần bá đứng bên cạnh thở dài thườn thượt, một lát thì nói:

“Hai ngày trước lão gia dắt tiểu thiếu gia đi đến dược đường, vì là cuối năm rồi, lão gia muốn xem xét sổ sách thêm lần nữa. Lúc tiểu thiếu gia đang chơi dưới lầu thì có một đám người xông vào làm loạn… sau đó trong lúc ẩu đả thì… tiểu thiếu gia bị cuốn vào đám người, bọn họ đánh tiểu thiếu gia rất tàn nhẫn…”

Trần bá nhìn chúng ta lớn lên, ông ấy coi ta và Diệp Lâm không khác con cháu trong nhà, vì vậy nói đến đây thì cũng nghẹn ngào. Mãi một lúc, ta mới biết đứa nhỏ mà cả nhà họ Diệp nâng niu như bảo bối trong tay đã bị một đám thất phu hành hung suýt chết. Trong trận ẩu đả, một nhóm người thân tín người của Diệp gia bị đánh đến tàn phế, bé con gãy chân gãy tay, bọn họ đạp vào ngực, đá vào bụng đệ ấy, đầu của Diệp Lâm không biết đập vào cái gì mà ngất đi tại chỗ, đệ ấy phun ra không biết bao nhiêu máu đen, hai ngày nay vào ra cửa tử, mãi lúc nãy mới tạm thời an ổn hơn mà thiếp đi trong đau đớn.

Trục đường về nhà không đi qua dược đường, cũng không đi qua các cửa hàng lớn của Diệp gia nên ta hoàn toàn không nhận biết có gì đó bất thường. Ta rụng rời tay chân, Trần bá chấm nước mắt, thầy lang nói tình hình của Diệp Lâm rất phức tạp, bây giờ chỉ mong thằng bé tỉnh lại, bước được xuống giường không tàn không phế đã là may mắn.

“Đám người đó ở đâu đến đây, sao lại dám gây chuyện với chúng ta còn hành hung người giữa ban ngày ban mặt?” – Ta không tin sẽ có một đám người ngang nhiên đến như vậy. – “Quan phủ đâu? Có ai báo cáo chuyện này chưa?”

Trần bá nhắc tới thì lại thở dài: “Họa vô đơn chí thật mà. Bọn họ đến dược đường làm loạn, gào thét om sòm rằng dược đường của Diệp gia bốc thuốc hại chết người nhà của bọn họ – là một thai phụ sắp sửa đến ngày lâm bồn. Lời qua tiếng lại, thật cũng không biết ai khơi mào ẩu đả, tiểu thiếu gia vô tình mà bị liên lụy, người của chúng ta cũng bị đánh rất nặng. Lão gia cũng bị thương, nhưng lão gia không có thời gian dưỡng thương, bây giờ bọn họ đang kiện tụng ầm lên, lão gia còn phải đi giải quyết…”

Phụ thân bị thương? Phụ thân nhã nhặn dịu dàng như nước của ta bị thương?

“Bởi vì là cuối năm, vụ việc lần này không biết bị ai khuấy động lên nên rất nghiêm trọng, chỉ sợ quan phủ muốn bắt người trước, sang năm mới phân xử… Nghe nói hoàn cảnh của mẹ con sản phụ kia rất đáng thương nên quan phủ cũng không xử phạt nặng bọn họ, hiện tại chúng ta đang ở thế bất lợi.”

Đúng lúc này, Diệp Lâm “oa” lên một tiếng, đệ ấy bị cơn đau đánh thức dù đang ngủ. Nước mắt trào ra trên gò má hốc hác của thằng bé, nó muốn nhoài người ngồi dậy nhưng vừa hơi xoay đầu liền đau tới khóc lớn. Ta và kế mẫu vội vàng lao đến, kế mẫu lau nước mắt an ủi thằng bé, ta đứng một bên, món đồ chơi đã cầm sẵn trên tay cứ giơ lên rồi hạ xuống mấy lần.

“Lâm nhi à, đại ca về rồi đây.”

“Đại… ca?” – Bé con yếu ớt hé môi, khi vừa nhìn thấy ta, đôi mắt ngấn nước của nó chợt lóe sáng, nó hình như muốn giơ tay nhưng liền bị đau đớn cản lại, vì môi bị dập nát nên nó nó chuyện cũng rất khó khăn – “Đại ca!”

“Nằm ngoan nào.” – Ta cẩn thận lựa một chỗ nhỏ ngồi xuống bên giường, đặt con quay tinh xảo cạnh gối nó – “Ta mua cho đệ nhiều đồ chơi lắm đấy, Lâm nhi phải sớm khỏe để chơi nhé.”

Lâm nhi gật gật đầu, nó không dám cử động nhiều, ta cũng không nỡ để nó cử động.

“Đại ca… đi đường có mệt không?” – Mãi một lúc, thằng bé mới trúc trắc hỏi ta một câu.

“Không mệt.” – Ta ghìm nỗi xúc động, đè nén mong muốn muốn ôm thằng bé vào lòng mà hôn lấy hôn để. Bé con của ta, kể cả khi bị người khác hành hung ra nông nỗi này mà nó vẫn còn có thể nghĩ đến ta.

“Mẹ… cũng nghỉ ngơi đi. Cha…” – Thằng bé mệt mỏi thở dốc, chỉ vài câu đơn giản mà cũng tốn không ít sức lực của nó. Bất ngờ, nó ho lên một tràng dài, trong khi ta có cảm tưởng nó muốn phun cả tim phổi ra ngoài, một búng máu tươi văng vào người ta.

Ta sững sờ.

“Xin lỗi… đệ xin lỗi… đại ca…” – Lâm nhi òa lên khóc, nó lấy tay che miệng, càng che càng ho, càng che máu bắn ra càng dữ dội.

“Mau gọi thầy thuốc đến đây! Con à!” – Kế mẫu gào lên.

Ngôi lầu nhỏ phút chốc loạn không thể tả. Ta sờ lên vết máu dính trên má, trên miệng, không phải vì chán ghét mà vì phẫn hận và đau lòng vô cùng. Ta không nghĩ tình trạng của Diệp Lâm lại tệ đến thế. Máu tươi ướt cả quần áo và chăn của bé con, bé con áy náy khóc nhìn ta.

“Lâm nhi, không sao, đệ không có lỗi, đại ca không sao.” – Ta luống cuống chân tay, vội vàng nặn ra một nụ cười trấn an thằng bé, nhưng hình như nụ cười này méo mó khó coi; Lâm nhi cũng muốn an ủi ta, chỉ tiếc bé con lực bất tòng tâm, khuôn miệng chỉ liên tục phun máu, không thể nói thêm gì nữa.

Ta cứ thẫn thờ đứng bên cửa nhìn thầy thuốc chạy vào, lại nhìn người của Diệp gia mang ra ngoài những món đồ ướt máu. Khi Trần bá gọi, ta mới biết máu dính trên người ta đã khô cả lại, nhưng một chút kinh tởm cũng không có, trái lại một cảm xúc khó tả trào dâng trong lòng.

“Phụ thân đâu rồi?”

“Lão gia từ sáng sớm đã đến chỗ quan phủ rồi. Không biết hôm nay có kịp về hay không.”

“Ông ở nhà, coi sóc kế mẫu và Diệp Lâm, có gì không ổn thì lập tức báo ta.” – Ta dặn dò một câu, sau đó lẳng lặng bước ra ngoài.

Ta muốn thay quần áo để đi tìm phụ thân, nếu phụ thân thấy bộ dạng ta như thế này thì người sẽ biết Diệp Lâm không ổn. Ta vẫn tình cảnh của phụ thân ra sao, lòng nóng như có lửa đốt, chỉ hận một thể mọc thêm đôi cánh mà đến chỗ của người.

Vừa hay, khi ta thay xong y phục và xăm xăm bước ra cổng chính, phụ thân trở về. Người cũng mệt mỏi và gầy đi nhiều mặc dù Trần bá nói chuyện chỉ mới xảy ra hai ngày trước, đôi mắt người thâm quầng, hai gò má cũng hốc hác, dường như tóc người có thêm vài sợi bạc, y phục cũng không quá chỉn chu gọn gàng như xưa, ta còn thấy được tay của người khe khẽ run rẩy.

“Phụ thân!” – Ta kêu lên, từ xa, người đã thấy ta, vội vội vàng vàng bước tới.

Phụ thân giang tay, lần đầu tiên chủ động ôm lấy ta từ khi ta trưởng thành, còn ta cũng không ngại ngùng mà gục trong vòng tay của người.

Khoảnh khắc này, phụ thân và ta không ai nói một lời nhưng cái gì cũng hiểu, ta nghe được tiếng phụ thân an ủi ta, mà ta cũng thông qua cái ôm thật chặt truyền thêm sức mạnh cho phụ thân.

“Lan nhi à, con về rồi, về là tốt rồi. Phụ thân…”

Rất nhớ con? Phụ thân muốn nói như vậy phải không? Rất thương con? Con biết. Cho dù con không nói cho phụ thân nghe con đã trải qua những gì, phụ thân cũng nhất định hiểu.

Sự ăn ý và tin tưởng tuyệt đối này đã thật lâu ta không cảm nhận lại được. Con trai rời xa gia đình, từng bước trưởng thành, dần dần hiểu được tấm lòng người làm cha mẹ.

“Lan nhi gầy quá đi. Sao lại thế này? Họ ức hiếp con sao?” – Phụ thân nhẹ nhàng đẩy ta ra một chút, người nâng mặt ta lên, cau mày thật chặt.

“Không có, phụ thân mới gầy ấy.” – Ta lắc đầu, cố gắng bày ra một điệu bộ khôi hài nhưng chẳng thể.

“Con biết chuyện rồi?”

“Con vừa đến chỗ Lâm nhi. Phụ thân, chuyện này quá hoang đường!” – Ta nghiến răng nói.

Dược đường của Diệp gia chủ yếu là làm từ thiện, ông nội và cha nuôi không biết bao nhiêu thầy thuốc học hành tử tế, cũng cứu giúp không biết bao nhiêu người, thuốc vừa bán vừa cho, cơm từ thiện không ngày nào không nấu, lễ lạc lớn đều không quên phần người khốn khó, từ đó đến giờ sổ sách của dược đường luôn luôn thua lỗ. Trước khi mất, ông nội dặn phụ thân nhất định không được đóng cửa dược đường, dù có thế nào cũng phải duy trì nó. Phụ thân làm ăn chân chính, bao dung quảng đại, từ đó đến nay Diệp gia luôn được người người kính nể trân trọng, chưa từng nghĩ tới có ngày phải sa vào hoàn cảnh như thế này.

“Biết là vậy, nhưng người đã có tâm hại ta, ta có tránh cũng không thoát.”

“Chuyện bên quan phủ thế nào rồi phụ thân?”

“Tạm thời hoãn lại, chỉ hy vọng có thể kéo dài qua năm mới, từ từ tìm cách. Nói thật với con, ta lo cho Lâm nhi quá, không nghĩ gì cho ra hồn được.” – Phụ thân thở dài.

“Có con ở đây, người đừng lo.” – Ta cúi đầu nói với phụ thân.

“Được, ta an tâm.” – Phụ thân yêu thương xoa đầu ta – “Bé con, con vừa về ta lại chẳng thể dành thời gian cho con nhiều được. Con nghỉ ngơi trước, ta qua chỗ Lâm nhi xem nó thế nào. Con có đói bụng không? Nhà đã dọn thức ăn cho con chưa? Hai ngày nay bếp núc nguội lạnh, tất cả đều đi mua ở ngoài, con muốn ăn cái gì, ta nói Trần bá bảo người làm.”

“Con không sao, phụ thân mau đến chỗ đệ đệ đi.” – Ta giục người.

Nhìn người rời đi, ta chôn chân tại chỗ, mắt nhòe hẳn.

Lòng bàn tay siết chặt, móng tay cắm vào phần da thịt mềm mại bên trong, bất tri bất giác máu đỏ chảy ra, không cảm nhận một chút đau đớn nào. Ta xa nhà khoảng ba tháng, vất vả tuy không quá nhiều nhưng ấm ức và đau khổ lại quá dư thừa, những tưởng trở về nhà cùng người thân đón năm mới, ai mà ngờ biến cố ập đến. Từng gương mặt hiện lên trong đầu; Đỗ phu nhân chết đi oan uổng, Đỗ Trung chết đi đau đớn, Diệp Lâm sống chết khó nói, phụ thân có thể rơi vào cảnh tù ngục, Diệp gia bỗng chốc lao đao, chỉ sợ “nhà” sẽ không còn.

Không còn nhà… Ta rùng mình, trời đất vặn xoắn vào nhau, mất một lúc mới lấy lại tinh thần. Một tiếng xào xạc đáng nghi vang lên, ta cảnh giác ngước mắt, không phát hiện điều gì bất thường; từng đợt sóng dợn lên trong lòng, Hạ Lan Diệp Lan gì đó đều vốn dĩ chưa từng thật sự buông tay, mười mấy năm nay sóng ngầm chưa một lần cuộn lên mặt hồ có lẽ là đợi lúc này đây.

… Những ngày tiếp theo, người làm cảm nhận có biến, từng người từng người rời đi, phụ thân cũng không giữ. Rốt cục, chỉ còn một số ít người đã trở thành người nhà ở lại, trong đó có Trần bá, nha hoàn hồi môn của kế mẫu, một ít người lớn tuổi từng hầu hạ ông nội ta và con cháu họ, cùng với một vài gia nhân đã ở bên cạnh mẹ ta từ lúc người bước chân vào Diệp gia cho đến khi người qua đời. Toàn bộ Diệp gia thu gọn trong ngôi lầu nhỏ của Diệp Lâm. Phụ thân cứ đi đi về về, kế mẫu túc trực trong phòng thằng bé, ta ở thư phòng của Diệp Lâm cẩn thận xem xét vụ việc lần này, xem đến đâu cũng bế tắc, đối sách nào vừa nghĩ ra cũng đều bị hiện thực đập cho tơi tả, bởi vì cơ bản, mọi manh mối đều chỉ dẫn tới một đáp án duy nhất.

Phụ thân nghĩ mãi không ra Diệp gia đã đắc tội với ai, trước mắt chỉ có thể cố gắng dàn xếp với quan phủ. Ta giúp người quản lý chuyện nhà cửa, thu xếp những mối làm ăn và những công tác lặt vặt không tên, việc nào đến trước thì ưu tiên xử lý trước.

Sau này nhớ lại, ta vẫn trách bản thân quá nhu nhược, sự tình đã phát triển đến nước này mà vẫn còn bám víu một tia hy vọng mong manh. Hạ Lan, ngươi thật đáng chết. Diệp Lan, ngươi vốn dĩ không nên sinh ra. Ta trăm trách ngàn rủa bản thân, nếu lần này có thể dùng mạng của mình để đổi lấy an toàn cho Diệp gia, ta sẵn sàng chịu ngũ mã phanh thây, lăng trì vạn nhát dao cũng không tiếc.

Diệp Lâm là một đứa bé rất kiên cường, bé con vượt qua từng ngày trong đau đớn, cuối cùng cũng dần dần khỏe hơn. Đương khi chúng ta đang khấp khởi vui mừng, một tin sét đánh lại giáng xuống. Dược đường và một số kho chứa thuốc của Diệp gia bị cháy, may mắn không quá nghiêm trọng, chỉ có điều sau khi dập lửa thì rất nhiều thuốc đã bị tiêu hủy, trong đó có không ít những vị thuốc quý và thuốc đang dùng để điều trị cho Diệp Lâm. Phụ thân vội vàng cử người đi tìm khắp nơi những thứ thuốc mà bé con cần dùng để đề phòng bất trắc, vẫn may mắn những gì cần thiết nhất thì Diệp gia đã đưa lại về trong nhà. Diệp Lâm đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chúng ta ai cũng không dám lơ là.

Chuyện này chưa xong thì chuyện khác đến, giữa buổi chiều, một đám quan binh đạp cổng vào nhà, vừa đi vừa gào thét om sòm, tiện chân đá vỡ không ít đồ đạc. Diệp Lâm được khó khăn uống thuốc thì bị sặc, kế mẫu lau miệng cho đệ ấy, phụ thân đứng bật dậy, ta lập tức lao ra ngoài.

“Bắt Diệp Quân lại!” – Tên cầm đầu thét lên.

Ta trừng mắt với bọn họ: “Cái ngươi có quyền gì mà bắt người! Dù sao đây cũng là phủ đệ hoàng thượng ban cho Diệp gia, các ngươi không được phép vô lễ!”

Đến nước này, chỉ có thể dùng danh tiếng mà ông nội để lại để dọa người, không ngờ bọn họ không sợ mà còn cười sằng sặc: “Cái đó thì lên công đường nói nhé. Các người bán thuốc giả hại chết hai mạng người, chưa biết tra ra còn phạm nhiều tội kinh tởm thế nào. Các ngươi cũng thật to gan, dám tự phóng hỏa hủy chứng cứ, có điều cái gì cần lưu lại thì đã lưu lại rồi.”

“Hỏa hoạn là chuyện không may, chúng ta sao lại có thể tự đốt đi sản nghiệp của mình?” – Phụ thân đẩy ta ra đằng sau người, cất giọng giải thích với quan binh. Lúc này, giọng của phụ thân vừa trầm vừa khàn, có cố gắng đến mấy cũng không thể giấu hết mệt mỏi.

“Quan lớn có lệnh, bắt giam lại, qua năm mới xét xử.” – Người nọ có vẻ không kiên nhẫn, khinh thường vẫy tay.

Điều mà phụ thân ta lo ngại cũng tới. Ta nóng ran mặt mày, chuẩn bị lao vào liều mạng, phụ thân chợt giữ lấy ta, người dịu dàng vỗ vai ta, nhìn sâu vào mắt ta: “Con trai, bây giờ nhà họ Diệp trông cậy vào con.”

Ta trân trối nhìn người, vừa định lên tiếng thì ngón tay thon dài của người đã chặn lại ngang môi ta, phụ thân mỉm cười rất hiền: “Phụ thân đi ít hôm, con giúp ta chăm sóc Lâm nhi, coi chừng nhà cửa với dì và Trần bá nhé.”

Sau cùng, người âu yếm xoa xoa mái tóc có phần lộn xộn của ta: “Lan nhi của cha cao quá rồi, sắp cao hơn cha rồi.”

Nói xong, phụ thân cứ không an tâm nhìn vào chỗ của Lâm nhi, quan binh đã chặn không cho người đi. Người bình tĩnh tự nộp mình cho binh lính, để họ xiềng người lại mà đưa đi. Lâm nhi nhìn thấy thì vùng vẫy dữ dội nhưng kế mẫu và Trần bá đã giữ nó lại, kế mẫu khóc không thành tiếng, người hầu còn ở trong nhà đều vừa phẫn hận vừa sợ hãi vừa bất lực; ta chạy theo người đến cổng chính, người xua tay ngoảnh đầu ý bảo ta vào trong, một đám người hóng chuyện tụ tập quanh cổng Diệp gia chỉ trỏ bàn tán, ta không quan tâm đến ánh mắt người đời, đau đáu nhìn theo bóng lưng người bị dẫn đi, mắt lại ráo hoảnh không một giọt nước.

Không còn sự che chở của phụ thân, ta phải một mình gánh vác mọi loại trách nhiệm. Nếu chỉ là một người bình thường, có lẽ ta đã gục ngã. Nhưng Hạ Lan đã từng sống trong nơm nớp lo sợ bao nhiêu năm trời trước khi chết đi mà không rõ vì sao mình chết, Diệp Lan mang hết đau thương mà đi tiếp con đường dài dằng đặc, mỗi khi hưởng được một chút hạnh phúc thì sẽ phải trả giá bằng bi ai trời xanh không thấu, chết cũng không yên, sống mà dằn vặt, đầu óc ở lúc tinh thần tồi tệ nhất lại trở nên thanh tỉnh vô cùng.

Có lẽ bọn họ đã quên, Hạ Lan trước khi rơi vào thảm cảnh chính là thái tử đại danh lừng lẫy. Không một điện hạ nào có thân phận như ta, đám người làm chuyện dơ bẩn kia có tái sinh hàng vạn lần cũng không đáng lau gót giày cho Đông cung. Ta là đích trưởng tử của hoàng đế và hoàng hậu từ nhỏ mặc lấy vinh sủng mà lớn, tôn quý không ai sánh bằng. Thứ gọi là uy phong của trữ quân, từ khi chưa chính thức trở thành thái tử ta đã có không chỉ đủ mà còn dư thừa. Người lớn lên tự tin kiêu ngạo, sơ tâm sáng như gương đồng. Trái lại, kẻ đã mang lòng tự ti, tâm địa tự nhiên trở nên xấu xa hèn mọn. Những ngày tháng cuối đời quá mức bi thảm của Hạ Lan khiến một số người quên mất hắn – hoặc là ta – đã từng lợi hại như thế nào.

Dù sao thì, năm đó, nếu ta không chủ động buông tay, chưa biết ai mới là người đang ngồi trên ngôi vị thái tử. Theo như ta nhớ, phụ hoàng không chỉ có mỗi Hạ Vinh là hoàng tử có tiềm năng.

Kế mẫu một bên lo cho Lâm nhi một bên lo cho phụ thân, ta gạt qua hận thù trước kia, dịu dàng an ủi bà, sắp xếp mọi chuyện trong nhà đâu ra đấy. Ta cho người thắp sáng đèn lồng, trang trí đón năm mới, dù có không bằng mọi năm cũng nhất định không được qua loa. Ta cho sắp xếp một ít quần áo, lương thực, thuốc men, lại gói thêm một chút tiền bạc, cử người thân tín đến đút lót quan phủ chuyển cho phụ thân. Cuối năm trời trở lạnh, ta không muốn phụ thân bị bệnh, càng không muốn phụ thân chịu khổ. Ta cúi đầu cảm tạ người hầu còn ở lại, chân thành bày tỏ lòng biết ơn, kính nhờ họ giúp ta chăm sóc Diệp gia.

“Lâm nhi không thể khỏe lên nếu chúng ta cứ ủ rũ như vậy. Phụ thân không làm gì sai, Diệp gia không hổ thẹn với trời, sau cơn mưa trời lại sáng, tin tưởng ta.”

Đợi đến khi phụ thân về nhà, ta muốn để người thấy hoa nở khắp nơi, Diệp gia vẫn vui vẻ đầy màu sắc. Ta tin rằng phụ tử tình thâm, dù người có ở trong ngục vẫn sẽ cảm nhận được ý chí của ta mà an lòng.

Đợi mọi chuyện đâu vào đấy, ta gọi Trần bá vào thư phòng của mình, lấy ra hộp dạ minh châu mà phụ thân tặng sinh nhật ra đưa cho ông ấy: “Tình hình đặc biệt, dạo này chúng ta không thể buôn bán, sắp tới có lẽ việc làm ăn cũng sẽ khó khăn. Bán viên này đi lấy tiền chữa bệnh cho Lâm nhi và lo cho phụ thân.”

“Không thể nào!” – Trần bá thốt lên – “Đây là bảo vật của Diệp gia, là viên mà tiên đế ban cho Diệp gia! Không được đâu, đại thiếu gia, việc này mà bị tra ra khéo lại mang tội danh khi quân, không được đâu!”

“Báu vật có quý giá đến mấy cũng không thể quý bằng mạng người. Chuyện ban thưởng đã là chuyện của mấy đời trước, ta cũng không tin đương kim hoàng thượng lại quan tâm đến một viên ngọc nhỏ bé.”

Ngược lại, ta càng muốn xem cái tội “khi quân” này cuối cùng sẽ tròng vào cổ ai.

… Dạ minh châu hoàng đế ban cho Diệp gia bị bán ra ngoài, người có lòng ắt sẽ hiểu tín hiệu, huống hồ là những người đã theo dõi Diệp gia gắt gao từ ngày ta trở về. Nghe Trần bá báo lại, khi ông ấy mang diệp minh châu đi bán, có tới mấy nhóm người đột ngột xuất hiện hỏi mua, trong đó có mấy nhóm người tranh giành gay gắt và đưa ra cái giá cao ngất ngưỡng.

“Thật là… cho dù là ngọc quý có giá trị liên thành nhưng mà giá bọn họ đưa ra quá đáng sợ.” – Trần bá vuốt ngực kể lại – “Giành qua giành lại một hồi, tôi còn sợ bọn họ lao vào hành hung nhau tới nơi.”

“Lấy tiền rồi?”

“Đúng vậy, mặc dù gần như là “cướp”. Có một đám người nhét một đống chi phiếu vào người tôi, đếm lại không chỉ đủ mà còn dư…” – Trần bá làm quản gia cho Diệp gia nhiều năm cũng chưa từng thấy số tiền lớn như thế.

“Thư đâu?”

“Mất rồi…” – Trần bá nhỏ giọng.

Lúc Trần bá mang ngọc đi bán, ta đã nhét một phong thư vào người của ông ấy, căn dặn ông ấy cất nó cho cẩn thận. Ông ấy vẫn luôn đặt nó trong ngực, vốn không tin rằng sẽ có người lấy đi được, bởi vì căn bản không có ai biết chuyện về lá thư này. Chuyện xảy ra đúng như ta dự đoán, có người đã dùng vài chiêu thức nhẹ nhàng mà lấy đi bức thư, sau khi hoàn hồn Trần bá mới biết thư đã mất.

“Bức thư đó quan trọng lắm sao thiếu gia?”

“Quan trọng.” – Ta gật đầu nhưng không giải thích gì thêm.

Vì thứ nằm trong phong thư mà mới phải bán ngọc, dàn ra cảnh tượng hỗn loạn để lá thư được chuyển đi một cách kín đáo. Đến đây, mục đích của ta đã hoàn thành. Nghĩ nghĩ, ta lại càng khâm phục Khuê Gia và Hạ Toàn, hai đứa nhỏ đó làm sao mà bảo quản được một tờ giấy hơn mười năm không rách.

… Việc dược đường bị cháy không có lợi cho chúng ta mà còn đẩy chúng ta vào cái tội danh “tiêu hủy chứng cứ”, khiến quan phủ quyết định bắt phụ thân lại. Bên cạnh đó, ta cũng biết việc này có liên quan đến tình hình của Diệp Lâm – bọn họ hủy đi những kho thuốc tốt nhất trong cả Hoa quận, thậm chí ngay cả kinh thành cũng không chắc có thứ quý giá hơn chúng ta, cốt yếu để đẩy Diệp Lâm vào đường cùng, cũng là đẩy Diệp gia đến bên bờ vực thẳm. Cái vực này, một lần sa xuống là vạn kiếp bất phục. Không biết là may mắn hay là bất hạnh, Diệp gia có một kẻ đã từng rơi vào tình cảnh không thể quay đầu, cho nên lại càng không có gì phải hối hận.

Đỡ Diệp Lâm nằm uống thuốc trong lồng ngực, ta nhỏ giọng kể cho bé con nghe một vài mẩu chuyện vui nho nhỏ, để bé con uống thuốc xong, ta theo sự căn dặn của thầy thuốc mà giúp thằng bé xoa bóp cơ thể. Thằng bé ngập ngừng nhìn ta mãi, ta biết bé con muốn nói cái gì.

“Phụ thân không sao đâu, Trần bá và ta đã cho người đến tìm phụ thân rồi. Tạm thời chỉ bị giam lại. Người trong nhà giam cũng tốt lắm, họ từng chịu ơn của Diệp gia nên chiếu cố phụ thân.”

Nghe như vậy, bé con mới tạm an lòng. Trời nổi gió lớn, lẫn trong tiếng gió là một âm thanh khả nghi. Ta khẽ nghiêng đầu bắt được thanh âm lạ lùng đó, nghe như tiếng chim kêu mà không phải. Người trong nhà đã mệt mỏi và căng thẳng đến độ không còn nhận ra điểm bất thường, ta chỉ cho người đóng bớt cửa không để Diệp Lâm bị lạnh. Sau khi trò chuyện và xoa bóp cho bé con, ta trở về chỗ ở của mình. Người làm trong nhà đã ít hẳn đi, ta không cần ai theo hầu, toàn bộ đều tập trung cho Diệp Lâm. Khi vào đến tiểu viện, qua cửa sổ mở của thư phòng, ta nhác thấy một bóng người đứng đợi bên trong. Không hoảng không vội, ta thong thả bước tới, từ tốn ngồi xuống ghế sau án thư.

Người nọ đứng đối diện ta, xem chừng bên ngoài còn có thêm người khác.

“Diệp thiếu.” – Người nọ gật đầu với ta, ta gật đầu đáp lễ.

Buổi sáng bán ngọc, buổi chiều đã có người tới. Vẫn chậm trễ hơn ta dự đoán. Ngẫm lại, có lẽ là do ta quá sốt ruột mà thôi.

Y phục tối màu của người nọ hòa với bóng đêm, ta dùng tư thế của chủ nhà để đón khách, mặc dù “vị khách” này có phần bất thường. Người nọ mặt không biểu tình, trong người có mang vũ khí. Giọng nói của hắn đều đều:

“Diệp thiếu, mời cậu đi với chúng ta một chuyến. Chủ nhân của chúng tôi đang đợi cậu.”

“Phụ thân ta đang bị giam giữ, đệ đệ trong tình cảnh nguy kịch, ta không có tâm trạng để rời Diệp gia.”

“Diệp thiếu an tâm, những chuyện này sẽ được thu xếp. Trước mắt, mời cậu đi với chúng tôi.”

Người nọ làm việc theo lệnh, ta không khó dễ bọn họ, sau khi chuẩn bị một chốc thì để mặc cho bọn họ đưa ta đi. Trời đất đột ngột tối sầm, mặc dù có chín phần tự tin, một phần trong ta vẫn hơi run rẩy; bàn tay lại vô thức nắm lại, chạm đến vết thương cũ, miệng vết thương chưa kịp lành đã bị phá mở, có dòng nước âm ấm trào ra, ta dùng sự đau đớn này để giữ cho bản thân thanh tỉnh.

.

Khi được tháo bịt mắt, nhìn người đang xoay lưng lại với mình, ta mới thở phào nhẹ nhõm. Đây là một lần cá cược, nếu lá thư bị nhóm người kia bắt được, vậy Diệp gia không ai sống sót nổi. Tuy nhiên, mọi chuyện đã nằm trong sự tính toán của chúng ta, Hạ Toàn và Khuê Gia vốn đã chuẩn bị từ trước nên thuận lợi bắt được cơ hội; phía Hạ Vinh có nghi ngờ thì cũng đã muộn, đó là chưa kể còn có một bên khác dõi theo ta chằm chặp, người của Hạ Vinh không thể dễ dàng ra tay.

Dẫu liều lĩnh nhưng nếu còn chần chừ, chỉ sợ cơ hội để liều lĩnh cũng sẽ không còn. Chẳng phải từ khi Hạ Lan quyết định tin tưởng vào phụ hoàng của hắn thì hắn đã đánh một ván cược lớn rồi sao? Kết quả, hắn thua. Nhưng cái thua của hắn, biết đâu chừng, sẽ mở ra con đường sống của Diệp gia.

Ta chỉnh trang lại y phục, vuốt lại tóc, sau đó chầm chậm quỳ xuống, trán chạm đất:

“Thần Diệp Lan, tham kiến hoàng thượng.”

Trong phòng chỉ có vài ngọn đèn nhỏ, ánh trăng bàng bạc rọi qua cửa sổ, bóng lưng đứng trước cửa sổ vừa quen thuộc lại vừa xa lạ.

Lần này, ta không còn giả vờ hoảng sợ hay ngạc nhiên, chỉ điềm tĩnh chờ đợi một câu hỏi.

“Diệp Lan?” – Cuối cùng, hoàng thượng cũng lên tiếng – “Ngươi đúng là Diệp Lan sao?”

“Thần là Diệp Lan.” – Ta rành mạch, đơn giản khẳng định.

Hoàng thượng lại im lặng một lúc, mãi hồi sau người mới nói.

“Đứng dậy đi Diệp đại thiếu gia.”

“Tạ ơn hoàng thượng.” – Ta thản nhiên đáp, sau đó một lần nữa chỉnh lại y phục khi đứng dậy.

Hoàng đế ngồi xuống, lấy ra một cái gì đó. Ta vừa nhìn liền nhận ra. Người đưa nó cho ta.

“Năm trẫm bảy tuổi, Diệp Huyền sang các nước lân cận khảo sát tình hình kinh tế, khi về thì có tặng cho đại hoàng thúc của trẫm một tượng Phật nhỏ bằng gỗ rất tinh xảo. Họ nói, cây gỗ làm nên tượng này đã sống vài trăm năm, sau khi bị sét đánh thì nghệ nhân lấy gỗ về làm tượng; nơi bị sét đánh lại mọc ra cây non. Đại hoàng thúc tặng lại cho trẫm, trẫm tặng nó cho con trai của mình.”

Nhìn tượng phật nhỏ trong tay, rất nhiều kỉ niệm xưa cũ ùa về.

“Trẫm vốn không tin thần phật, tượng phật này trẫm chơi một lúc là chán, cất lại trong kho rồi quên bẵng đi. Đại hoàng thúc qua đời, Diệp Huyền từ quan… trẫm gặp được thê tử, thê tử sinh cho trẫm một hài tử. Nhanh thật, chỉ là một cái chớp mắt.” – Phụ hoàng chậm rãi kể, mỗi một câu một chữ đều như vọng về từ quá khứ.

“Thê tử qua đời, con trai của trẫm vì quá đau buồn mà sinh bệnh, một lần bệnh nằm liệt giường hơn một tháng. Trẫm vốn không tin thần Phật nhưng vì con trai mà cái gì cũng làm, trai giới tắm gội, mời pháp sư, đạo sĩ, thay bé con cầu nguyện. Lúc này, trẫm chợt nhớ ra tượng Phật đã cất giữ từ lâu, tặng cho bé con, mong nó an lòng mà khỏe lại. Con trai của trẫm sau đó từ từ bình phục.”

“Đều là nhờ hồng phúc của hoàng thượng.” – Theo thói quen, ngón tay ta vuốt nhẹ trên thân tượng Phật nhỏ.

“Sau này con trai ta cứ hay lui tới Khải Tường tự, tượng Phật cũng đặt ở đó. Nó bỏ ta đi rồi, ta cho niêm phòng căn phòng nó từng ở ở chùa Khải Tường, tượng Phật vẫn luôn cất trong đó suốt mười mấy năm ròng. Ngươi theo công chúa tới chùa, chỉ ở phía trước, không được đi sâu vào hậu viên nên không biết.”

“Diệp Lan, ngươi nói đúng, đại hoàng thúc của trẫm bị giam trong chùa Khải Tường cho đến chết.” – Hoàng thượng đột nhiên chuyển chủ đề – “Ngươi có biết vì sao không?”

“Hoàng thượng đã nói, trưởng bối trong hoàng thất không muốn nhắc lại, hậu bối đương nhiên không biết.”

“Còn ngươi thì biết đúng những gì trẫm đã kể cho con trai của mình.”

Công bằng mà nói, người cũng không phải chỉ có một đứa con trai – ta mỉa mai trong lòng. Việc người chọn kể cho Hạ Lan những tâm tư sâu kín nhất không đồng nghĩa với việc người đối xử với Hạ Lan tốt nhất, càng không có nghĩa Hạ Lan đáng phải nhận kết cục thảm thương như vậy; cho nên, khi con nghe người nhắc tới Hạ Lan như thể người chỉ có một đứa con này, con tự nhiên thấy khó chịu.

Đêm nay, hoàng thượng phá lệ nhiều lời.

“Y xây chùa Khải Tường, tượng Phật rỗng giấu vũ khí, sau chùa có một đường hầm đào thẳng đến kinh thành. Đường hầm mới đào được một nửa thì y bị phát hiện mưu phản, đường hầm bị bịt kín chỉ còn lại một khoảng nhỏ, y bị chính cha mẹ của mình ném vào đó cho chết đói chết khát. Chùa Khải Tường bị đóng cửa một thời gian dài. Đến tận khi trẫm đăng cơ thì mới biết chuyện mà cho người mở đường hầm ra.” – Hoàng đế chợt dừng lại, người nhắm mắt, long nhan không giấu được một thoáng buồn thương – “Đại hoàng thúc một đời lừng lẫy cô độc ngồi trong khoảng không gian nhỏ bé chật hẹp, y dựa vào vách đất, đã hóa thành một bộ xương trắng. Nghe nói trước đó y bị đánh đập rất thảm, trẫm hy vọng y đã không chịu đựng quá lâu, tốt nhất là vừa bị nhốt lại đã chết.”

Chờ đợi tử vong của chính mình là một điều rất đáng sợ, mặc dù không ở trong tình cảnh của An đại vương, ta lại hiểu nhất thanh nhị sở.

“Đặt vũ khí trong tượng rỗng, đúng là một ý hay. Trẫm không thích đồ thủ công nên không nhìn ra được huyền cơ trong tượng Phật, nhưng hình như Lan nhi của trẫm lại biết.”

Hoàng thượng mở mắt ra, nhãn quang sáng bừng rọi vào ta. Ta cũng không giả vờ, khẽ cúi đầu, ngón tay lần mò một hồi, “cạch” một tiếng, tượng Phật rỗng được mở ra, ở bên trong là một ngăn kéo nho nhỏ, vừa đủ để nhét một bức thư gấp lại.

Chính xác mà nói, phải cho tới khi Diệp Lan viết thư, trong tượng Phật này mới có thư.

.

.

.

Lời của Lạc Nhi: Trong mười hai chương trước, Diệp Lan thể hiện sự hiền lành ôn hòa thậm chí có phần nhu nhược của mình. Y giữ tính cách đó từ hồi còn là Hạ Lan, vì quá nhân từ nên đâm ra thiếu quyết đoán. Diệp Lan đã trải qua một lần mất mát, vốn muốn sống một đời bình an – hoặc giả không trọng sinh cũng tốt, nhưng kiếp này y có người mà y yêu thương, y có gia đình cần bảo vệ. Một lần Hạ Lan thật sự “trọng sinh”. 

7 bình luận về “[Viết] Trọng Sinh – Chương 13

    1. Viết được đến đây mình mừng lắm luôn á. Những chương trước nhịp điệu cứ chầm chậm là vì phải thiết lập mọi thứ đâu ra đó, đưa đầy đủ các nhân vật chủ chốt + chi tiết quan trọng lên sàn, từ giờ mình có thể bung lụa được rồi =))))))) Vui xỉu.

    1. Em phải cảm ơn mọi người đã chờ em. Trùi ui chị biết không em viết được tới đây em khoái lắm vì công sức thiết lập đưa mọi nhân vật và chi tiết cốt lõi lên sàn xong xuôi, giờ chỉ cần bung lụa hoyyyyy

Bình luận về bài viết này