Trọng Sinh – Chương 17


Thao thức mãi không vào giấc, ta khẽ khàng bước xuống giường. Phụ hoàng vẫn còn đang ngon giấc. Ra ngoài ngọa thất, ta không kiềm được lòng mà ta tìm đến gian phòng nơi Hạ Vinh đang ở. Phòng lánh ở một góc thiên viện, bên ngoài có người canh gác, bên trong thắp sáng ánh nến, những chiếc bóng dài ngả nghiêng trên khung cửa. Ta đứng bên ngoài, người cứ ngóng mãi vào phía trong, không biết Hạ Vinh như thế nào. Thái giám bảo ta, thái y chỉ được đến xem cho thái tử một chút, để lại mấy món thuốc căn bản, thái tử không có người hầu kẻ hạ, buổi tối chỉ được ăn nửa chén cháo và nửa chén nước. Rơi vào tình thế này, Hạ Vinh chắc chắn không thể nghỉ ngơi nổi, càng không có gan hay cơ hội làm bậy.

“Ai đấy?” – Trong lúc bất cẩn, ta vô tình gây ra tiếng động, gần như ngay lập tức, Hạ Vinh cất tiếng hỏi.

Ta muốn im lặng rời đi nhưng Hạ Vinh lại gấp gáp gọi tiếp:

“Là Diệp Lan phải không?”

Làm sao em ấy biết là ta?

“Diệp Lan… ta muốn gặp…” – Giọng của em ấy vừa khàn đục vừa yếu ớt.

Mủi lòng, ta quay người lại. Cấm vệ quân của phụ hoàng chần chừ nhìn ta một lát rồi đẩy cửa cho ta. Hạ Vinh nằm gục trên chiếc giường đơn trong phòng, cạnh bên cái bàn gỗ duy nhất đang cháy sáng những ngọn nến hỗn xược. Giường không có chăn gối, Hạ Vinh dùng tay chống người dậy được một chút thì thở hổn hển, mồ hôi lăn dài trên gương mặt trắng nhợt tiều tụy, đôi môi của em ấy đã không còn huyết sắc, da chết bong ra từng mảng. Em gầy hơn ta tưởng tượng rất nhiều, cặp mắt hõm sâu thâm quầng và gò má hốc hác khiến em không còn vẻ oai phong ngày trước, cơ thể cứ run lên từng chặp của em mấy lần khiến ta muốn đỡ em ngồi dậy nhưng rồi kiềm lại được. Mỗi khi ta định tiến lại gần hơn chút, cấm vệ quân luôn theo sát bên cạnh ta liền cản ta lại. Bọn họ sợ Hạ Vinh xốc nổi, nhưng theo ta thì em ấy không còn hơi sức mà di chuyển nữa.

“Ngươi là Diệp Lan thật sao?” – Không có vẻ ngạc nhiên khi thấy ta xuất hiện ở đây, Hạ Vinh chăm chăm nhìn ta một chốc rồi hỏi.

Ta gật đầu. Hạ Vinh có vẻ không tin, cứ nhìn ta mãi. Em ấy tự giễu bản thân:

“Thấy ta thảm hại thế này, hài lòng rồi chứ?”

“Điện hạ nghỉ ngơi đi.” – Đúng là em ấy nên bị trừng phạt vì những gì đã gây ra cho Diệp gia và cho mẹ con thai phụ kia cùng những người liên quan, nhưng ta trở về không phải để nhìn em ấy bị quả báo.

“Y có…” – Nhác thấy ta dợm bước đi, em ấy chợt trở nên gấp gáp – “… hận ta không?”

Giờ đây, hẳn câu hỏi ta là Diệp Lan hay Hạ Lan không còn quan trọng với em ấy nữa.

Mười mấy năm cuồn cuộn trôi qua trước mặt, ta đáp:

“Nghi huynh nghi đệ, nhi hậu khả dĩ giáo quốc dân.”

Lễ Kí viết: “Nghi huynh nghi đệ, nhi hậu khả dĩ giáo quốc dân”. Anh em hòa thuận, sau đó mới có thể dạy dỗ người dân trong nước. Ta viết chữ cho Hạ Vinh xem, chữ đầu tiên là chữ “nghi” này. Em ấy tròn mắt nhìn chữ viết của ta, Hạ Toàn chọt nhẹ vào cái má bầu bĩnh của em mà trêu: “Ngậm miệng lại, chảy nước bọt ra ngoài rồi này.”.

Em ấy ngơ ngác nhìn ta, hệt như cái nhìn của Hạ Vinh năm sáu tuổi.

“Đại hoàng huynh viết chữ rất đẹp.” – Hạ Vinh thì thào.

Ta im lặng quay người rời đi, sau lưng vang một tiếng nghẹn ngào nho nhỏ.

Bước ra khỏi phòng, cấm vệ quân liền đóng chặt cửa lại, canh giữ nghiêm cẩn. Phụ hoàng không biết đã thức dậy từ lúc nào, ở một bên quan sát ta. Ta tới trước mặt người, lòng hơi áy náy:

“Con đánh thức người rồi.”

“Ta vốn khó ngủ, ai mà ngờ con còn khó ngủ hơn cả ta.”

Sóng vai cùng người bước về ngọa thất, bước chân ta cực kỳ nặng.

“Người không thể để em ấy như thế được. Em ấy bị thương nặng, nếu có mệnh hệ gì thì sao?”

“Chỉ đau thôi, không có làm sao được đâu.” – Phụ hoàng đáp trước khi hỏi ta – “Con thấy thế nào?”

Nếu hỏi ta và Hạ Lan có hận có trách em ấy không thì thật là tàn ác cho chúng ta.

“Đáng tiếc, rất nhiều việc không thể vãn hồi, càng không thể chu toàn.”

Phụ hoàng hiểu rõ đạo lý này nhất. Phụ hoàng trước sau hiếu kính thái hậu, thái hậu lại vì người diệt ngoại thích mà buồn khổ sinh bệnh qua đời.

Kiếp trước, ta vì muốn chu toàn mọi bề mà tạo ra bi kịch. Kiếp này, ta vì chần chừ mà để những sinh mạng vô tội ra đi.

Hạ Vinh không chủ trương cho cái chết của Hạ Lan nhưng để Hạ Vinh thượng vị thì Hạ Lan phải chết.

Hạ Lan quay lại đòi công đạo cho kẻ chết và bảo vệ người sống, Hạ Vinh không thể không liên quan.

“Phụ hoàng, dù đáp án của em ấy thế nào, người cũng sẽ tận diệt Tiêu gia đúng không?”

“Ừ.”

Ta không thấy rõ sắc mặt người trong bóng tối, nhưng trở về với những vấn đề này, người luôn luôn rất kiên định. Ta hiểu điều này, Hạ Vinh hiểu điều này, có thể Tiêu phi đang bị giam lỏng cũng biết điều này, chỉ không biết Hạ Vinh có đủ tàn nhẫn để tự mình ra tay không mà thôi.

Đó là một đêm rất dài.

Lòng có hơi sốt ruột nhưng biết không thể hấp tấp nên ta cứ đợi phụ hoàng xử lý từng việc một. Thái tử và vây cánh đã bị khống chế triệt để nên tạm thời không còn gì đáng ngại. Phụ hoàng lúc này mới nhắc đến lá thư mà ta viết.

Trong đêm mà Đỗ Trung qua đời, Khuê Gia đã đưa cho ta mấy tờ giấy cũ, chất lượng đã không còn tốt nhưng nhờ có chúng mà chúng ta mới có thể xoay chuyển tình thế.

“Khi phủ đệ của hoàng huynh bị niêm phong và lục soát, rất nhiều vật phẩm bị đưa ra ngoài. Nhị hoàng huynh và em dùng hết sức để xin về mấy món đồ trong thư phòng của hoàng huynh, đa số chỉ là bút và giấy viết. Mười mấy năm nay, nhị ca và em luôn giữ chúng trong phủ, tuy không biết có bao giờ dùng lại hay không nhưng không nỡ vứt đi.”

“Ngày xưa, Ngạc nghịch ngợm lấy con dấu của ta đóng lên mấy tờ giấy này, vì vậy mà bị anh của em mắng cho một trận.” – Ta vuốt ve những tờ giấy cũ kỹ, nhìn những con dấu được đóng lên mặt sau, không khỏi bồi hồi xúc động.

Ngạc gật gật đầu, lệ châu vẫn tung hoành trên gương mặt tiều tụy.

“Một bức thư thì không nói lên được gì, dù cho có viết bằng chữ của Hạ Lan. Gạt được ai chứ không gạt được hoàng thượng đâu.”

Thấy Khuê Gia cắn môi khó xử, ta đau lòng nhíu nhíu mày, tiếp tục nói:

“Chúng ta không cần gạt hoàng thượng. Bức thư này sẽ chỉ châm ngòi thôi, người muốn dùng thế nào thì dùng. Chúng ta cần phải làm cho hoàng thượng tin ta là Hạ Lan. Bây giờ, lòng người hẳn có nhiều nghi ngờ nhưng người vẫn ở đằng sau quan sát mà chưa ra tay bởi vì người muốn chắc chắn về thân phận của ta.”

“Giữa phụ hoàng và hoàng huynh hẳn có rất nhiều bí mật…”

“Không nhiều lắm đâu, ta tìm cái quan trọng mà dùng là được.” – Ta trầm ngâm – “Em còn nhớ hồi đó khi ta đến Khải Tường tự thì đều ở lại một căn phòng nhỏ sau chùa, lúc ta bị tố giác làm phản thì nó bị niêm phong đến bây giờ không? Nếu chúng ta may mắn, trong phòng sẽ còn lưu lại những đồ vật của ta ngày trước, trong đó có một tượng Phật nhỏ bằng bàn tay làm từ gỗ có thể tự tỏa hương thơm thoang thoảng. Tượng Phật đó là do An đại vương tặng cho hoàng thượng, hoàng thượng tặng cho Hạ Lan hồi bé. Món đồ có ý nghĩa như vậy thì hẳn hoàng thượng không nỡ vứt bỏ nhưng cũng không muốn mang về đâu.”

“Em sẽ cho người đến đó tìm.”

“Cẩn thận chút là được.” – Ta dặn – “Có cái này ta phải chỉ cho em, tượng Phật đó có thể mở ra được để cất giấu mật thư.”

Chúng ta may mắn, tượng Phật vẫn nằm ở đó.

Chúng ta may mắn, bức thư mà Diệp Lan viết đã được người của công chúa và nhị hoàng tử thành công lấy được từ người Trần bá.

Khuê Gia nhét thư vào bức tượng, đổ gục xuống trước mặt phụ hoàng, thay đại hoàng huynh vén bức màn oan khuất.

Bức thư đó kể về kế hoạch ban đầu của Hạ Lan để tự “phế” bản thân, cũng tỉ tê rất nhiều nỗi niềm và tâm sự chỉ có phụ hoàng và ta biết. Không ai biết bức tượng Phật nhỏ đó có ý nghĩa với phụ hoàng thế nào, mà ngoài Hạ Lan ra thì cũng không chắc có người thứ hai biết cách mở bức tượng ra. Ít nhất, chúng ta phải thuyết phục người gặp Diệp Lan.

Sự việc tiếp theo diễn biến như những gì ta nghĩ. Ta đã may mắn đến tận giờ phút này, khi trong lòng phụ hoàng vẫn còn có đứa con tên là Hạ Lan.

“Ngay từ đầu, bọn con không dám lừa người, bọn con chỉ có thể tìm một cái cớ…” – Thấy phụ hoàng đọc lại bức thư ngay trước mặt ta, ta có phần chột dạ.

“Lúc ta đọc những dòng thư này thì ta đã biết rồi. Nếu bức thư này có thể thay cho bức thư bằng máu mà con viết trước khi rời bỏ ta thì thật tốt biết bao.”

Ta cắn môi trong, nghiêm chỉnh quỳ trước mặt người. Dù đã qua hai kiếp người, ta vẫn không thể quen với ý nghĩ ta lừa dối người. Phụ hoàng âu yếm vỗ về sườn mặt của ta, nhẹ nhàng nâng má ta lên để ta nhìn thẳng vào người.

“Nói thế nào, ta cũng cần một lý do để lật lại vụ án. Lý do này…” – Phụ hoàng giơ bức thư lên – “… đủ tốt.”

“Con biết sai rồi…” – Ta lí nhí đáp.

“Con không cần nhận sai thay cho mấy đứa nó.” – Phụ hoàng nhìn thấy suy nghĩ của ta, tiện tay véo nhẹ gò má của ta mấy cái – “Khuê Gia và phò mã của nó đáo để thật, không hổ là đứa em rể tốt con một mực bảo vệ. Nhị đệ của con tưởng nhát gan an phận mà không phải, ta cũng không ngờ đấy.”

Ý cười trong mắt chuyển thành một nỗi xót xa khó tả, phụ hoàng không còn hiểu được con mình nữa.

“Mọi chuyện các em ấy làm là vì con, hay là nói, là vì Hạ Lan. Người có trách thì trách Hạ Lan, đừng trách các em ấy, thời gian qua, các em ấy không dễ dàng gì.”

Mười mấy năm qua, mấy đứa nhỏ của ta cố gắng bảo vệ những gì còn sót lại của phế thái tử. Khuê Gia và Hạ Toàn đều đã có gia đình nhưng một lần nữa không màng hậu quả để giải oan cho Hạ Lan. Khi trước, Hạ Lan chưa thành gia lập thất, còn bây giờ, các em ấy có quá nhiều điều để mất.

“Con ra đi được một thời gian ngắn thì Toàn nhi một mực cầu xin ta cho nó rời khỏi kinh thành, thậm chí còn tự nguyện bị giáng làm hầu chỉ để đổi lại một mảnh đất phong nhỏ. Khi đó, nó vì chuyện của con mà suy sụp tinh thần, ta không giữ nó lại được nữa nên đành để nó đi. Từ lúc đó, nó chưa một lần trở về.” – Phụ hoàng nhắc đến Hạ Toàn, trong mắt tràn ngập phiền muộn.

Ban đầu khi phong em làm Cung Túc vương, phụ hoàng vốn định giữ em lại kinh thành. Em ấy khiêm cung kính cẩn, hiền lành nhân hậu, không có thế lực, không ôm tham vọng, phụ hoàng rất an lòng. Huống hồ, như ngày nào đó phụ hoàng từng bảo với Hạ Lan, con và nhị hoàng đệ là hai đứa lớn nhất, phụ hoàng luôn xem trọng. Trong trí nhớ của ta, Hạ Toàn luôn là một đứa nhỏ kiệm lời ít nói có phần nhút nhát, chẳng ngờ vì người hoàng huynh tồi tệ này mà trở nên can đảm vô cùng.

Phụ hoàng trầm ngâm nhắc đến tiểu tứ, tiểu ngũ, tiểu lục và tiểu thất – bọn nhỏ lớn lên rồi từ từ rời khỏi đế đô, hiện chỉ còn bát hoàng đệ Hạ Khiêm mười ba tuổi ốm đau suốt lưu lại trong kinh. Thân phận hoàng tử có phần nhạy cảm, thông thường không có việc đặc biệt sẽ không thể tùy ý quay về, nhưng phụ hoàng nhiều lần tỏ ý muốn các em hồi kinh ít lâu mà ai cũng thoái thác. Làm hoàng tử của người không dễ dàng, ta có thể hiểu các em ấy. Rốt cục, bên cạnh người chỉ còn có Hạ Vinh. Vẻ phiền muộn hiện ra rõ ràng trên long nhan mệt mỏi.

“Ta sẽ không trách nó, càng không trách Khuê Gia. Thời gian vừa qua ta phải giữ phu thê Khuê Gia trong phủ là vì không muốn bọn nó liên quan thêm nữa.”

“Hai em ấy đã bảo hộ huyết mạch duy nhất còn sót lại của Đỗ gia và âm thầm chăm sóc cuộc sống của Quỳnh Hoa.” – Nói đến đây, tim ta nghẹn lại, đau không thở nổi – “Xin người đừng quên Đỗ gia chịu oan khuất thấu tận trời xanh, cũng xin đừng quên Lý gia trung thành tận tâm bị đẩy đến bước đường cùng.”

… Khi phụ hoàng lại gọi Hạ Vinh đến, ta vẫn ngồi sau bức bình phong, dù việc này hẳn đã trở nên thừa thải. Dẫu sao thì, ta vẫn rất khó chịu khi đối mặt với tam hoàng đệ.

“Thái tử đã có quyết định của mình chưa?”

“Nhi thần đã suy nghĩ kỹ rồi.” – Hạ Vinh lần này có vẻ bình tĩnh hơn rất nhiều, những tiếng thở nặng nề đã có quy luật hơn; khi em cất tiếng, lời lẽ rành mạch, giọng không quá lớn nhưng rất rõ ràng – “Nhi thần vô năng, không thể trở thành trữ quân mà người mong muốn. Lòng tự thấy hổ thẹn, không xứng đáng kế thừa đại thống, đành phụ lòng phụ hoàng bồi dưỡng bao nhiêu năm. Chỉ dám cầu xin người…”

Hạ Vinh im lặng một lúc:

“… Tiêu gia tội ác tày trời không thể tha thứ. Nhi thần chỉ mong người niệm tình Tiêu gia những năm qua luôn luôn trung thành mà giảm bớt cực hình đau đớn cho ngoại công và các cữu cữu. Còn mẫu phi, xin người đừng bỏ rơi bà.”

Chính Vinh nhi cũng biết phụ hoàng sẽ không bỏ qua cho Tiêu gia, bây giờ em ấy chỉ mong bảo toàn được mẹ của mình. Ta không rõ về tình hình giữa phụ hoàng và Tiêu quý phi trong mười sáu năm qua lắm; hồi Hạ Lan mất, bà ấy đang đắc sủng, đến trước khi vụ án của ta được đào lên lại thì vẫn là người quản lý lục cung. Chỉ nghe Lý công công bâng quơ đề cập rằng từ sau khi Hạ Lan qua đời, tuyển tú thưa thớt rồi ngừng hẳn, bản thân phụ hoàng không mấy khi qua đêm ở hậu cung.

“Không hối hận chứ?” – Phụ hoàng hỏi.

“Nhi thần đã suy nghĩ rất nhiều. Nhi thần làm thần tử vô dụng, làm cha vô năng, cầu xin phụ hoàng mở lượng hải hà bỏ qua cho mấy đứa trẻ con vô tội.”

Lời này nói ra bất lực biết là bao.

“Ta sẽ tự có an bài, tam điện hạ trở về trước đi.”

Trong khoảnh khắc đó, ta có thể mường tượng cơ thể của Hạ Vinh thoáng chốc cứng đờ.

Hạ Vinh rời đi rồi, phụ hoàng thẫn thờ ngồi ở đó một lúc lâu. Người vùi mặt vào hai bàn tay, bả vai không ngừng run lên. Mãi một lúc, phụ hoàng mới từ từ lên tiếng, lúc người nhìn ta, ánh mắt tràn ngập sự hối hận và xin lỗi: “Lan nhi, phụ hoàng không thể ủy khuất Tư Tư…”

Anh Ninh công chúa Hạ Tư Tư là con gái ruột của Tiêu quý phi. Lúc còn nhỏ, em ấy trắng trắng tròn tròn dễ thương lắm, vì mẫu phi cấm em ăn kẹo và đồ ngọt nên hay làm nũng xin Hạ Lan cho ăn điểm tâm. Bây giờ em đã có gia đình đề huề hạnh phúc, còn sinh được hai cô con gái cũng đáng yêu như em hồi bé. Ta không có ý kiến gì, quyết định của đế vương ta là ai mà đòi can thiệp. Dẫu sao thì, đây cũng là người sinh được hoàng tử hoàng nữ cho phụ hoàng, cũng là người đầu ấp tay gối suốt bao nhiêu năm ròng rã.

Cả đêm đó, thư phòng của phụ hoàng sáng đèn. Người tự tay viết thánh chỉ, lúc thì vẫn lẫm liệt oai phong, lúc thì mệt mỏi sầu muộn; viết đến chữ cuối cùng, tay của người run lên không kiểm soát. Lấy ra con dấu, người cứ nhìn mãi những nét mực chưa kịp khô, chần chừ một lúc lâu không nỡ đóng xuống.

Ta tự hỏi khi người viết thánh chỉ phế truất Hạ Lan, người có chần chừ như vậy không.

Trước sau gì cũng đến, một tiếng “cộp” khẽ khàng vang lên, một thái tử cứ như vậy rơi đài.

Công bố vào sáng hôm sau gây nên một trận rúng động. Trước những tội ác của Tiêu gia và tội lỗi do chính thái tử gây ra, hoàng đế phế Hạ Vinh, giáng làm thứ dân, cả mấy đứa con cũng chịu cùng số phận. Gia quyến bị buộc phải rời khỏi Long Đức cung trong ngày hôm đó, tạm thời bị giam lỏng ở một phủ đệ bé nhỏ lâu ngày không ai dùng đến. Nhớ đến đôi mắt sáng ngời của Vinh Nguyên mà lòng ta quặn thắt. Nó lớn lên với biết bao kỳ vọng lớn lao, bây giờ mất hết tất cả, không biết nó đang đối diện với sự thật này như thế nào. Nếu hỏi lần này ta cảm thấy có lỗi nhất với ai, thì ngoại trừ Đỗ Trung và Quỳnh Hoa, hẳn là Vinh Nguyên. Đáng tiếc, ngươi tranh ta đấu, cả một đứa bé cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy tàn nhẫn.

Vì là sinh mẫu của tam hoàng tử và Anh Ninh công chúa, phụ hoàng không làm gì Tiêu quý phi, chỉ đơn giản biến cung điện của bà ta thành lãnh cung, sau này không gặp mặt. Bà ấy giữ được cái danh “quý phi” của mình, nhưng chỉ là cái danh mà thôi.

Tiêu gia bị tịch thu gia sản, những người có liên quan đều bị xử tử, ngay cả nam tử trên mười bốn tuổi cũng bị định ngày vấn trảm. Gia chủ của Tiêu gia, ngoại công đã lớn tuổi của Hạ Vinh sau khi nghe phán quyết thì tuyệt vọng đến độ suy sụp rồi ngay tối đó tự vẫn trong ngục. Việc này càng khiến lửa giận của phụ hoàng tăng lên, bản án tăng lên một bậc với người còn sống, từ chém đầu thành chém ngang lưng, từ chém ngang lưng thành lăng trì. Bây giờ vẫn còn là mùa xuân, đợi thêm vài tháng nữa vào thu là xử tử. Trải qua việc của gia chủ Tiêu gia, lính canh càng thêm nghiêm ngặt, nhất định giữ bọn họ còn sống đến ngày hành hình.

Oan khuất của phế thái tử Hạ Lan được rửa sạch. À, nói cho đúng thì Hạ Lan không còn làm phế thái tử nữa – người ta bây giờ bảo Hạ Lan là “cố thái tử”. Phụ hoàng đã đề cập đến việc truy thụy hiệu cho ta nhưng ta không mấy hứng thú, người chọn chữ nào ta cũng không để ý, chính xác là không muốn để ý, vì ta thấy có hơi kỳ cục. “Con thấy tên của Hạ Lan đủ đẹp rồi, người không cần nhọc lòng nữa đâu.” – Ta thành thật nói, lúc sống không màng cái nhìn của người đời thì lúc chết Hạ Lan cũng không cần những điều phù phiếm này, cứ để phụ hoàng chọn một cái tên nào đó mà người ưng ý, hoàn thành những nghi thức cần phải hoàn thành.

Có lần, phụ hoàng bảo muốn xây cho bộ xương kia một cái lăng, ta lập tức cản người, không cần tốn công phí của.

“Phong thủy chỗ kia không tồi.” – Ta tìm cách thuyết phục người – “Nếu người muốn thì cho đắp ngôi mộ lại một chút, mà sau này con nghĩ cũng không cần hương khói, mười sáu năm qua… con thấy vẫn ổn.”

“Hay là… phụ hoàng đưa con… à, không phải…” – Lúng túng mãi một hồi, phụ hoàng mới tìm được cách diễn đạt tạm nghe thuận tai nhất – “… mẫu hậu con ở trong lăng chờ phụ hoàng, nếu con không muốn cho Hạ Lan một cái lăng riêng, vậy Hạ Lan cũng ở đó, đợi phụ hoàng… một nhà ba người chúng ta sẽ lại đoàn tụ.”

Phụ hoàng dè dặt hỏi: “Được không con?”

Ta cười: “Thay mặt Hạ Lan, tạ ơn thánh thượng. Nhưng mà, thánh thượng phải bảo trọng long thể trước cái đã.”

Danh dự được trả lại cho Đỗ gia và Lý gia. Phụ hoàng ban chức tước cho Đỗ Ngạc và em trai Quỳnh Hoa, cho người xây dựng lại Đỗ phủ và Lý phủ. Thậm chí, dưới sự ngạc nhiên của ta, còn ban cho Đỗ Ngạc và Lý Dật mỗi người một tấm kim bài miễn tử. Nếu tấm kim bài đó có thể dùng để đổi mạng cho người đã khuất thì tốt biết bao, thôi thì ít nhất nó cũng an ủi được con cháu người còn sống. Hạ Lan thì sao cũng được, còn chuyện của Đỗ Trung thì phải đàng hoàng. Trước khi mất, tuy đã trải qua một thời gian khánh kiệt tới nổi một ngày ba bữa cơm cũng là vấn đề nhưng Hạ Lan vẫn còn một ít ngân lượng phòng thân, số ngân lượng này sau đó bị tịch thu, lần này ta hỏi phụ hoàng lấy lại nó để xây lăng mộ tươm tất cho nhà họ Đỗ.

Những người trước đây bị liên lụy trong vụ án của Hạ Lan đều được trả lại công bằng, dù công bằng ấy đến quá muộn màng.

Từng chuyện từng chuyện thay phiên nhau được giải quyết. Lòng có vui có buồn, không hiểu sao ta có xu hướng ngủ nhiều hơn, thỉnh thoảng lại thấy đau nhói trong tim, hơi thở hụt hẫng, có khi không thể hô hấp thông thuận. Một cảm giác mơ hồ dấy lên trong lòng, có vẻ cơ thể này đang dần đi đến cực hạn.

Đợi đến khi ta gặp lại Khuê Gia, em ấy đã ốm hơn lần trước nhiều nhưng sức khỏe có vẻ vẫn ổn. Cảnh tượng có hơi kỳ quặc, một thiếu niên mới hơn mười sáu tuổi lại đi an ủi một phu nhân xấp xỉ ba mươi, mà phu nhân ấy còn không kiêng nể gì cứ rơi nước mắt mãi. Phò mã cúi đầu đứng một bên, ta vừa vỗ vỗ vào bàn tay của Khuê Gia, vừa nhìn cậu ấy mà bảo:

“Công chúa nhà chúng ta vẫn hay khóc thế này sao?”

“Nương tử của thần là một người rất tình cảm.”

Cả phụ hoàng ngồi một bên cũng không nhịn cười bật cười, nụ cười hiếm hoi trong những ngày u ám này.

Phụ hoàng không trách gì Khuê Gia và Hạ Toàn, chỉ bày tỏ ý muốn gọi Hạ Toàn và gia quyến về kinh một thời gian. “Phụ hoàng rất nhớ nó, cũng nhớ mấy đứa khác.” Bên cạnh nhị hoàng tử Hạ Toàn, tứ hoàng tử Hạ Huyền, ngũ hoàng tử Hạ Hòa, lục hoàng tử Hạ Lạc và thất hoàng tử Hạ Minh từ sau khi rời khỏi kinh thành thì chưa một lần trở về.

“Nói đi cũng phải nói lại, mấy đứa các con quá liều lĩnh.” – Phụ hoàng thở dài nhìn Khuê Gia.

Các em ấy đánh cược vào phụ hoàng, trong khi không biết rõ lực lượng của Hạ Vinh mạnh đến đâu. Kể cả những người luôn có mặt trong triều cũng ngỡ rằng hoàng thượng đã hoàn toàn lui về đằng sau cho thái tử tỏa sáng.

“Thiên thời địa lợi nhân hòa, chẳng phải đại hoàng huynh đã trở về rồi sao? Điều này cho thấy, ông trời không nỡ nhìn anh ra đi oan uổng.” – Khuê Gia kiên định đáp – “Kể cả hoàng huynh không quay về, bọn con cũng không lùi bước.”

Hai đứa nhỏ này đã quyết định hoặc là thành công hai là thất bại thảm hại, bắt đầu từ việc đưa Ngạc quay trở về kinh lập ra quán trà để điều tra. Lúc biết được mấu chốt nằm ở Tiêu nhị công tử, Ngạc thay đổi rất nhiều để có được dáng vẻ giống như Tô Sơ Huyền khi trước để tiếp cận Tiêu Sơ Tình, lấy được không ít manh mối. Tiêu gia đứng trên đỉnh vinh quang đã lâu, có phần chủ quan và cảm giác có lỗi với đứa con này nên cũng mắt nhắm mắt mở cho hắn mập mờ với Ngạc một thời gian. Khi ta và Vinh Nguyên đến lầu nghe kể câu chuyện về mối tình đoạn tụ thì Tiêu Sơ Tình cũng có ở đó, đây là ngòi nổ khiến hắn hoàn toàn điên loạn, tự phun ra rất nhiều sự thật động trời, thành công làm phụ hoàng hạ quyết tâm lật lại vụ án năm xưa.

Kể cả không có ta, các em ấy cũng sẽ làm như vậy, dù rằng sẽ khó khăn hơn và khả năng thất bại cao hơn rất nhiều.

Ta vừa xúc động vừa mơ hồ cảm thấy mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy.

“Mọi người đáng lẽ có thể cứ an ổn sống tiếp.” – Ta cảm thán.

Lúc này, cả Khuê Gia lẫn phò mã đều im lặng một cách khó hiểu, chính phụ hoàng cũng biết trong chuyện này chắc chắn còn có nguyên nhân gì khác.

“Phụ hoàng, hay là nhân dịp này, gọi nhị hoàng huynh về một thời gian đi?”

Phụ hoàng cười khổ: “Chỉ sợ nó không đồng ý, phụ hoàng cũng không ít lần viết thư cho nó.”

“Lần này, nhị ca sẽ trở về.” – Khuê Gia có vẻ cực kỳ chắc chắn.

Một tháng sau, nhị hoàng tử Hạ Toàn hồi kinh, đi theo còn có cậu con trai trưởng Hạ Vĩnh An năm nay sẽ bước qua tuổi mười lăm. Hạ Toàn kín tiếng, nghe nói con trai Vĩnh An tính tình giống cha còn tư chất thì bình bình không có gì nổi trội, đó giờ một nhà Cung Túc vương an phận thủ thường gần như chưa bao giờ ra khỏi đất phong. Lúc hay tin nhị hoàng đệ sẽ mang theo con trai trở về thì phụ hoàng vui vẻ lắm, trong vòng một vài ngày mà số tặng phẩm cho Vĩnh An đã chất đầy một căn phòng nhỏ. Nói thật, ta cũng rất hứng thú với mấy món đồ này. Hồi đó, Hạ Lan mười chín tuổi vẫn còn ham chơi, mà Diệp Lan năm nay mới mười bảy tuổi cũng không thua kém gì.

“Lan nhi à, nếu con thích thì cứ lấy đi.” – Phụ hoàng phát hiện ta cực kỳ mê mẩn vài món đồ chơi mới lạ thì bảo thế, ta thấy được sự áy náy sâu sắc trong mắt người.

“Sao con lại giành đồ chơi với cháu mình chứ?” – Ta cười nói, nếu được thì sau này ta muốn xin người vài thứ hay ho về cho Diệp Lâm chơi, bù lại những ngày trên giường bệnh.

Ta khá hồi hộp trước khi gặp lại Hạ Toàn. Ngày em ấy đặt chân vào kinh thành, mưa xuân giăng kín lối. Phụ hoàng bãi triều thì muốn gặp cha con của em ngay, lúc ấy Khuê Gia cũng đã có mặt. Khuê Gia cứ chần chừ nhìn ta và phụ hoàng bằng một ánh mắt chất chứa nỗi niềm, mấy lần muốn bảo gì đó lại thôi. Hạ Toàn đã trở thành một vương gia thành thục, tác phong trầm ổn, không còn dáng vẻ thiếu niên nhút nhát năm nào. Em hành lễ chưa xong, phụ hoàng đã vội bảo em đứng dậy, gương mặt của người tràn ngập từ ái yêu thương.

“Con ngồi xuống đi. Con mới tới nơi, có mệt không?”

“Nhi thần không sao, tạ ơn phụ hoàng quan tâm.” – Em ấy cúi đầu đáp, đủ xa cách, đủ lễ phép.

“Vĩnh An đâu, sao không thấy nó?” – Phụ hoàng hỏi, ta cũng hiếu kỳ trông mãi ra cửa.

Hạ Toàn hết nhìn phụ hoàng rồi lại đưa mắt nhìn sang Khuê Gia trao đổi gì đó trong bí mật, cuối cùng ánh mắt rơi vào người ta. Ta vẫn chưa biết nên mở lời thế nào, chỉ thấy em ấy một lần nữa thấp đầu quỳ xuống, mà lúc này, cả Khuê Gia lẫn phò mã cũng quỳ xuống.

“Phụ hoàng, xin người tha tội cho chúng nhi thần.”

“Có chuyện gì vậy?” – Phụ hoàng ngạc nhiên hỏi, đôi mày kiếm của người nhíu chặt lại.

“Nhi thần vốn nên đưa Vĩnh An đến gặp người sớm hơn…” – Hạ Toàn nặng trĩu tâm tư.

“Đang ở ngoài sao? Vậy con gọi nó vào đây đi. Hoàng gia gia chuẩn bị rất nhiều thứ tốt cho nó, bù lại cho bao nhiêu năm qua.”

“Phụ hoàng, xin đừng trách nhị hoàng huynh, cũng xin bỏ qua cho con…” – Khuê Gia mắt nhìn xuống đất.

“Đứng dậy đi, mấy đứa sao thế, để thằng bé vào đây nhìn thấy lại nghĩ thế nào?” – Phụ hoàng cũng như ta, dần dần cảm nhận một điều gì đó bất thường.

Khuê Gia ra ngoài đón Vĩnh An, Hạ Toàn đứng nép qua một bên khi Vĩnh An được dẫn vào.

Khoảnh khắc thằng bé bước qua khỏi bậc cửa, đôi mày kiếm đang cau chặt của phụ hoàng từ từ giãn ra, sự mong đợi trong mắt người hóa thành kinh ngạc tột độ. Một màn sương mù giăng kín tầm mắt, ta có thể thấy phụ hoàng bật người dậy, lảo đảo trong nháy mắt, Lý công công phải vội đỡ lấy người.

Bởi vì công tử Vĩnh An vừa xuất hiện kia có gương mặt tám chín phần của Hạ Lan thời niên thiếu.

Bình luận về bài viết này